Bài mới nhất

 




Những chiều đi học về, qua khung cửa lờ mờ đầy bụi bám của cánh cửa xe bus, tôi nhìn thấy tụi nhỏ Tiểu học, Trung học ùa ra về như đàn chim vỡ tổ. Có đứa đứng lại trước cổng trường đợi ba má tới rước, thỉnh thoảng lại rướn mình ra ngóng về phía người thân tới đón, có đứa trên tay cầm những xiên que đồ nướng, rồi những cây kem mát lạnh lót dạ cho một ngày học nóng nực căng thẳng. Có đứa thì lầm lũi bước đi, cứ cúi mặt xuống đầy trầm tư và sầu não. Có tốp thì vội khoác chiếc balo xộc xệch về đằng trước rồi vừa đi vừa bàn tán bài vở như vừa kiểm tra hay thi xong môn gì đó. Có đứa thì vứt cặp xuống đất, kéo áo đứa bạn đằng trước lại, vén ống tay áo lên như chuẩn bị giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực... Ngày nào cũng thế, những buổi chiều tan trường của tôi trên chuyến xe bus về nhà tôi đều gặp tụi nhỏ tan trường với đủ trọn những khuôn mặt và cảm xúc của chúng.

Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn đồng bằng miền Bắc, tuổi thơ của tôi lớn lên trong bầu khí của xóm đạo nhà thờ, sống với tiếng chuông nhà thờ, với những chiều hè rủ nhau câu cá, tắm ao, đi cầu kiều trên ao hái mướp, với những trò chơi buôn hàng và làm diễn viên đầu đời đóng vai làm các thứ nghề xung quanh cuộc sống mà chúng tôi biết. Trường học không gần cũng không xa là mấy nhưng chúng tôi toàn rủ nhau đi bộ, mở mắt ra là mặc quần áo tươm tất rồi chạy xung quanh hàng xóm í a í ới nhau đi học, 7h30 sáng mới học nhưng tôi nhớ là đi từ 6h sáng. Tới trường chúng tôi còn chơi đủ thứ trò khác nhau, vào mùa hè, mồ hôi nhễ nhại, tóc đứa nào đứa đấy ướt như mới gội, quần áo xộc xệch nhưng có tiếng chuông báo hiệu vào lớp là chúng tôi chỉnh tề liền. Ngày ấy, đứa bạn nào lấy trộm cây viết, cục gôm hay chỉ là cấu xíu xiu cũng về mách bố mẹ. Còn hay ghép cặp ghép đôi nếu ở gần nhà nhau và hay đi học với nhau. Có giận hờn, có đánh nhau nhưng rồi lại chơi thân với nhau, chúng tôi gọi là “tình yêu bọ xít”. Tôi nhớ ngày ấy, mỗi lần đi thi bố đều chở hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ hòa vào dòng người chở con ngày đi thi, bố cho anh em tôi vào quán gọi món “cháo trứng vịt lộn”, tôi luôn nhớ bố mẹ chỉ chở chúng tôi vào những ngày đi thi quan trọng và món quen thuộc ngày đi thi đều vậy. Sau này khi lớn mọi người nói ăn trứng ngày đi thi là chỉ có ẵm về toàn “trứng”, tôi chẳng tin. Khi lên cấp hai, tôi tự đi xe đạp, chúng tôi đi học đạp xe chung với nhau, mỗi lần nắng, mỗi lần mưa đều có nhau. Chúng tôi quanh quẩn ở xóm làng nhìn ai cũng chào, cũng hỏi nên biết nhau cả, ông bà nội ngoại cũng gần nhau, các bác các cô chú cũng gần nhau, những người bạn xung quanh “tối lửa tắt đèn” đều có nhau. Từ nhỏ tôi đã được nghe bố mẹ ví người này người kia như Chí Phèo, như Thị Nở, được dạy “trẻ con không được ăn thịt chó”, được nghe ông đọc thơ truyện Kiều, rồi cái tên tôi ông cũng đặt y như cô em Thúy Kiều để cầu chúc cho cuộc đời tôi đừng lận đận. Khi lớn hơn, tụi chúng tôi hay dọn cỏ, dọn rác ở mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao, khi được học tác phẩm Chí Phèo có trong sách giáo khoa, tôi mới thấy tự hào quê mình có nhà văn được ghi trong sách. Ngày đi học tôi cũng có bị dính vào một số vụ đánh nhau chỉ vì “nhìn mày ngứa mắt”, rồi “mày là cái gì mà dám phạt tao”, rồi cả “mày chán sống rồi hay sao ?”... chỉ vì ngày đó tôi làm Liên đội trưởng trong trường- một nhân vật bị ghét cay ghét đắng vì chuyên đi soi những thành phần vi phạm nội quy của trường của lớp. Ngày ấy chúng cũng tìm đến bạo lực để giải quyết những vấn đề kia nhưng tôi có thầy cô giáo, có bố mẹ có bạn bè đồng trang lứa với tôi bảo vệ. Không ai sợ bị liên lụy hay cố bao che cho những thành phần có ý thức kém như vậy. Những dịp Trung thu, chúng tôi đều chuẩn bị mọi thứ từ trước một tháng, tới hôm diễn ra đêm rằm thì chúng tôi được sống vui chơi, ăn uống quây quần bên nhau phá cỗ, ăn bánh đa cùi dừa, ngồi ngắm trăng, nghe tiếng dế mèn, tiếng vi vo của muỗi, tiếng ve của ngày hè còn sót lại và cả những tiếng quạt mo phe phẩy trong buổi tối tĩnh lặng vì mất điện. Mỗi lần nghĩ lại tôi thấy có nhiều niềm vui hơn là những sự tổn thương bởi tôi đã được sống một tuổi thơ trọn vẹn.

Rồi lên một cấp khác, tôi đi xa nhà vào Sài Gòn để học đại học, thoáng cái cũng gần hết cấp này tiếp. Mỗi ngày tôi đi học, đi làm trên xe bus và về bằng xe bus, ngồi trên đó nhìn ra đường tôi thấy có nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống đáng trân trọng giữa dòng người vội vàng ngược xuôi. Buổi sáng thì kẹt xe vì ai cũng muốn đến chỗ làm chỗ học cho đúng giờ nhưng hình ảnh người vô gia cư nằm ở bên lề đường, đắp chiếc bao làm chăn, chiếc mũ rách mướp làm khăn che mặt, đặt mình bên cạnh một đống lùm xùm bao nilong, chai vỏ lọ...cụ vẫn nằm đó giữa dòng ngừơi vội vã. Buổi chiều tôi trở về nhà cũng bị kẹt xe, ai cũng muốn đi thật nhanh để kịp đón con ở trường cho đúng giờ, ai cũng muốn đi thật nhanh nên va quẹt vào nhau rồi cứ lao về phía trước không ngoái lại là chuyện thường, ai cũng muốn trở về nhà thật mau để chuẩn bị bữa cơm gia đình, rồi có người vội chạy để kịp cho đúng giờ dạy học...như tôi. Tôi về nhà rồi lại lên xe bus đi dạy, học sinh tôi dạy cũng đơn độc như bao bạn khác nơi thành phố phồn hoa này, ai biết người đấy, nhà nào biết nhà đấy. Em cũng chỉ biết đường từ trường về tới nhà, lên đến phòng riêng đợi thầy cô tới tận nhà dạy học rồi xuống đến phòng ăn, lịch trình lặp đi lặp lại gần 18 năm qua như vậy. Nghĩ mà thật buồn ! Có lần tôi hỏi em : “Em có bạn thân không ?”, em trả lời tôi bằng một tiếng thở dài đằng đẵng rồi đáp bằng giọng miền Nam dễ thương mà nghe đầy mệt mỏi, ủ rũ : “Bạn bè làm gì cho mệt hơn cô” Nghe xong tôi giật mình, một học sinh cấp ba tới giờ không có bạn, cũng chẳng có bạn thân mà nhắc tới thì chỉ thêm mệt mỏi hơn bởi việc học cũng là một áp lực lớn với tụi nhỏ. Chúng không tìm được niềm vui nơi học tập, không tìm được niềm vui nơi trường học và nơi bạn bè xung quanh đồng môn. Lũ trẻ bây giờ khác tôi ngày trước quá nhiều dù tôi cũng được sinh ra và lớn lên thời đại công nghệ phát triển mạnh. Lũ trẻ bây giờ là “thế hệ cúi đầu” không có ý thức để ngẩng lên nữa. Lũ trẻ bây giờ tự tin và sống thỏa hiệp với cuộc sống dù chẳng biết mình sẽ đi về đâu sau những lần nhấc tay cầm bút kí vào những bản hợp đồng tự do do chính mình ảo tưởng vào thế giới ảo.

Dường như cuộc sống thay đổi, con người cũng đổi thay. Ít ai còn giữ lại được những nếp đạo đức bình dân gần gũi nhớ mãi. Có chăng là chỉ níu kéo chút gì còn vương lại, mai này hội tụ lũ bạn ngồi hàn huyên lâu giờ sống lại giai đoạn đó tuổi xế chiều... Tôi vẫn gắn bó với xe bus, là đi học, đi làm, đi tour Sài Gòn ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn con người chuyển động, có khi rảnh rỗi ngồi trên xe bus cả ngày về một số tỉnh lân cận Sài Gòn cách vô tình. Hay ra tôi cũng đang đơn độc giữa cuộc sống này ?

Hoàng Anh

 


Thân phận là gái thứ lữ rạng soi

Cũng chẳng lỡ khi cô đơn đời vắng bóng

Tình em trao là tình trong trắng

Chỉ là một duy nhất mà thôi

Khi tinh khôi lòng Anh là biển cả

Vỗ về những dòng suối tràn mi

Khi em đi đời vẫn còn nguyên trạng

Chỉ chuyển sự là sống tình lang thang

Cất bước lên chuyến hàng không đầu tiên

Em để lộ mình như hiền thê yêu dấu

Cũng đẹp tươi sau bao ngày nung nấu

Một cuộc trở về đủ nghĩa vạn tình đây

Mang em đi vào bầu trời xanh thẳm

Cất cao lên những chóng vánh bủa vây

Cho thân thây ngấm nhuyễn mùi tình ái

Chẳng xác tục mà vời vợi non cao

Hỏi tại sao tình yêu lại đẹp thế?

Bởi vì lẽ nó ý hướng song song

Đi hiên ngang trên mảnh trời rộng lớn

Lan tỏa lòng hơn hớn niềm vui

Em hoan vui vì một niềm không tủi

Vì rõ hiện cũng như hành động luôn

Cho tuôn chảy trong em một thiên đường

Không sánh nổi với một điều gì khác đâu.

Hoàng Anh

 

 

 

Những cơn mưa dài kéo hết ngày này qua ngày khác trên vùng đại ngàn Tây Nguyên này gợi lại cho con rất nhiều cảm xúc, từ khi con nghĩ Tết này nhà mình sẽ không đông đủ như mọi năm, mỗi đêm con hay giật mình thức giấc, con không sao ngủ tiếp được. Có những sự chia tay liên tiếp làm cho con bị chìm vào nỗi buồn triền miên, chỉ có những đứa trẻ đồng bào mới kéo con ra khỏi vũng lầy êm ái đó. Nhưng khi dạy học chúng, cùng chơi với chúng, cùng làm và cùng ăn với chúng xong, con lại đối diện với chính mình trong đêm khuya cùng với những dòng nước mưa rớt xuống mái tôn nội trú nơi con đang tông đồ kêu mỗi lúc một mạnh như gõ cửa trái tim con, thôi thúc con mở cửa nơi ấy một lần nữa để trải lòng khi con bước sang một tuổi mới trong mùa hè rực rỡ tràn ngập yêu thương.

Khi đặt chân tới vùng cao Tây Bắc ở với những anh chị em H’mông với bao ngỡ ngàng và cảnh vật hùng vĩ làm cho con choáng ngợp, con cũng chẳng thấy sợ vì tự tin mình có đủ kiến thức và hành trang để sử dụng chúng ở nơi này. Nhưng nhìn đâu cũng thấy những ngôi nhà lụp xụp, những mái ngói nghiên mình xuống triền dốc chỉ chực chờ gió cuốn, những con đường dài ngun ngút trùng trùng điệp điệp, những đứa trẻ cười nói xì xằng xì xồ nghịch nước, hái hoa ven đường chẳng đi học, những người già ngồi nhìn xa xăm ra con đường dài tít tắp nghĩ lại cuộc đời...Con mới thấy điều bố nói từ khi con có trí khôn thật đúng “Chữ tài đi với chữ tai nhiều phần”. Con đã quá tự tin về những gì mà con tưởng chừng là mình có, con cứ ngỡ rằng mình có quyền đi ban phát kiến thức hay kĩ năng cho mọi người...Khi đến và ở lại, sống chung, sống cùng, sống với người nghèo con mới thấm lời bố dạy.

Khi con nghĩ lại sự trầm tư, xót con của mẹ giấu kín trong nụ cười rạng rỡ mà ngượng ngùng xót xa khi thấy hình bóng con gầy xanh xao, sạm da nhìn chẳng nhận ra trở về sau những tháng ngày điền dã ròng rã trên vùng cao với bao cám dỗ, nguy hiểm và nỗi ám ảnh bủa vây con khi chỉ chút suýt nữa là mạng sống con cũng chẳng còn. Con chỉ biết lặng đi hòa vào nỗi niềm thổn thức của mẹ mong cho chúng con được sống là chính mình giữa cuộc đời đầy những tai ương và bộn bề lộn xộn này.

Khoảng thời gian ở đó dịp ấy, mọi thứ nơi vùng cao thu phục con để con chết đi chính mình. Con được rất nhiều, rất nhiều, nó đầy lên nhưng nhẹ nhàng, dung dị. Điều con cảm nhận sâu thẳm, quyết liệt và rõ ràng nhất là: có tình yêu, có thể chạm đến trái tim và làm cho nó có tiếng nói tuyệt vời nhất. Từng khuôn mặt, từng cử chỉ, từng nụ cười, mỗi câu chuyện...nơi những con người tại bản hòa vào da thịt, tan chảy trong con tim thổn thức của con. Con thấy con người nơi đó như một bức tranh “tinh dầu sơn nguyên” tức là mùi con người tinh chất nơi núi rừng hoang sơ, nguyên vẹn đang bị nhòe, đang treo giữa cánh rừng bạt ngàn, rừng thì bị chặt phá, đồi núi bị xói mòn, bức tranh kia mỗi lúc mờ nhạt, cần lắm thay những họa sĩ có một trái tim biết nói tiếng núi rừng để hòa vào bức tranh đang bị phai mờ ấy. Khi nghĩ như vậy, con nguyện mình là cây chì vẽ điểm tô những nét phai mờ trong bức tranh ấy, vẽ lại rõ chi tiết nơi bức tranh. Vẽ được cả mùi, cả những dòng mũi chảy lại xịt vào thập thò viền miệng trên của những đứa trẻ con, cả những giọt mồ hôi, từng mạch gân, từng giọt máu, đang nhỏ giọt và đập mạnh bởi cái nghèo vô tận, rồi cả từng mầm sống đang nhú lên thoi thóp đứng giữa núi đồi đầy rẫy những hiểm nguy chực chờ bị bóp ngạt. Con như thấy đồng loại của mình đang kêu những tiếng rên siết liên lỉ thảm thương mà ít ai nghe thấy. Rồi bức tranh nơi ấy sẽ ra sao nếu một mai cháy rừng ? Những tro bụi của bức tranh ấy có giữ nguyên từng nét chăng ? Dịp đó, con rời bản đi trong nỗi niềm thao thức, bên đống lửa giữa cánh rừng ủ ấm những nét vẽ tinh khôi của đêm cuối đang rõ dần lên. Tên Fuab Ci họ đặt cho con như gói trọn nỗi thao thức và ước nguyện của họ và con, cho bản làng luôn ánh rạng ngời vào mỗi bình minh, vào mỗi hoàng hôn và cả trong đêm đen không đèn điện của họ.

Hiện tại ở đây, con đang sống trong những ngày cuối cùng của chuyến đi lần này với các em đồng bào Bana, con lần lượt chia tay những người anh em cùng chung chí hướng, họ trở về với công việc và sứ mạng của mình. Con vô cùng khâm phục và quý mến họ. Con kể bố mẹ nghe về thầy giáo dạy Vật Lý cấp ba có một điệu cười xóa tan phiền muộn và chân chất đã bỏ lại cả mùa hè kiếm bộn tiền từ việc dạy kèm, dạy thêm để mang sự hiện diện của mình lên vùng cao nguyên gặp gỡ, ở lại và cho đi những gì mình đang có cho anh em đồng bào, đặc biệt cho những đứa trẻ được học. Rồi cả cô giáo dạy Tiếng Anh cho người đi làm, có mẹ bị đau nặng bất ngờ, công việc với tiệm photo, in ấn và làm hình nhưng chị cũng bỏ lại vì lời hứa đến ở lại và dạy các em Bana ở đây. Các thầy cô đó cho con thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ giữa dòng người nhiệt thành, quảng đại, hy sinh, họ cho con động lực để mang sự hiện diện của mình tới những nơi nghèo nàn mục nát. Những lần trước con toàn đi độc hành, con phải đối diện với những khó khăn mà không có người bên cạnh, nếu không có ơn Trên gìn giữ con chẳng nghĩ với sức riêng mình vượt thắng tất cả những điều đã qua. Lần này có những chị em cùng đi với con, khi con bệnh nặng vì ngã nước có chị em ở bên chăm sóc và quan tâm con, ở bên các em con học được nơi các em sự đơn sơ và lành thánh. Nơi các em học sinh đồng bào Bana cho con nhận ra chỉ kiến thức không thôi sẽ không mua được sự yêu thương, bao dung, bác ái, hy sinh, nhẫn nại như bố mẹ luôn nói với con. Và con nhận ra nơi các em điều này khi mỗi ngày các em cố gắng, can đảm vượt qua hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác ở cuộc sống hào nhoáng, mau qua rằng “Chúng ta nảy mầm từ trong đêm tối nhưng sẽ nở hoa dưới ánh mặt trời”.

Bố mẹ ơi ! Mùa hè năm nay của con đẹp lắm. Con biết rằng khi hè về quê mà chỉ về nhà có hai ba hôm rồi lại đi vùng cao ở với người đồng bào, rồi lại vào Nam đi miền cao nguyên bố mẹ buồn lắm nhưng bố mẹ luôn nói nếu con thấy hạnh phúc là được. Con cũng biết khi chúng con mỗi lúc càng rời xa bố mẹ, bố mẹ chỉ chôn những buồn tủi, nhớ thương, sự khó nhọc vào sâu bên trong để qua màn hình nhỏ trực tuyến hỏi thăm con dạo này có khỏe không, rồi bàn luận về kiểu tóc lần đầu mới cắt của con, kể những câu chuyện quanh làng xóm vốn diễn ra hàng ngày cho con biết tình hình nơi quê nhà, chia sẻ chuyện làm ăn va chạm hay cả những câu chuyện cười giúp nâng tâm hồn con lên cao, hòa quyện với khó nhọc và hoan hỉ của gia đình mình. Con hạnh phúc lắm!

Mưa cũng đã ngớt nhưng gió rít từng đợt làm con lạnh buốt. Qủa thật đời người là một hợp đồng trọn gói: niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau...tất cả chỉ bán chung một gói, không thể mua riêng từng thứ được. Giữa cuộc đời sóng gió ngập tràn, con vẫn đây, nơi cung lòng của mẹ và vòng tay yêu thương của cha đón con trở về trong tình thương và nỗi nhớ.

Hoàng Anh

   

Ôi các mê thích làm con xa rời Chúa

Như thuyền kia tự nhổ neo đi trong vô hướng

Ôi các mê thích cứ ương bướng ở lại

Như bến kia chờ thuyền hòai không thấy, vẫn ở

Ôi các mê thích hững hờ, lả lướt trêu ngươi

Như gợn sóng êm dịu bình minh

Như lớp sóng dồn dập trong hoàng hôn trên biển vắng

Ôi các mê thích chẳng lặng cứ bay

Như những đám mây xanh trong pha cả xám màu u ám

Ôi các mê thích bám chặt vào con sao chẳng ra

Như sống đời bám vào lục bình đang nứt

Như tầm gửi bò trên thân cây mục nát

Như vết mực bám vào gấu áo tẩy mãi chẳng ra.

Ôi ! Con chợt nhận ra bấy lâu nay mình sống

Ùa vào đời bằng bao mê thích hão huyền kia

Như mưa sa phùn phủ khắp cả trời biển

Làm ướt cả những cánh chim đang bay

Đang loay hoay tìm chốn hạ an toàn

Ôi mê thích ! Thứ tội đồ ghê tởm

Làm sương mù che mắt cả hối nhân

Tìm thỏa mãn giác quan qua khung cửa tù túng

Xin Thần Khí nhúng chìm cho hết thảy

Giữ con lại đừng chết để chiêm ngắm Thiên nhan.

Hoàng Anh


Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.