Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn đồng bằng
miền Bắc, tuổi thơ của tôi lớn lên trong bầu khí của xóm đạo nhà thờ, sống với
tiếng chuông nhà thờ, với những chiều hè rủ nhau câu cá, tắm ao, đi cầu kiều
trên ao hái mướp, với những trò chơi buôn hàng và làm diễn viên đầu đời đóng
vai làm các thứ nghề xung quanh cuộc sống mà chúng tôi biết. Trường học không gần
cũng không xa là mấy nhưng chúng tôi toàn rủ nhau đi bộ, mở mắt ra là mặc quần
áo tươm tất rồi chạy xung quanh hàng xóm í a í ới nhau đi học, 7h30 sáng mới học
nhưng tôi nhớ là đi từ 6h sáng. Tới trường chúng tôi còn chơi đủ thứ trò khác
nhau, vào mùa hè, mồ hôi nhễ nhại, tóc đứa nào đứa đấy ướt như mới gội, quần áo
xộc xệch nhưng có tiếng chuông báo hiệu vào lớp là chúng tôi chỉnh tề liền.
Ngày ấy, đứa bạn nào lấy trộm cây viết, cục gôm hay chỉ là cấu xíu xiu cũng về
mách bố mẹ. Còn hay ghép cặp ghép đôi nếu ở gần nhà nhau và hay đi học với
nhau. Có giận hờn, có đánh nhau nhưng rồi lại chơi thân với nhau, chúng tôi gọi
là “tình yêu bọ xít”. Tôi nhớ ngày ấy,
mỗi lần đi thi bố đều chở hai anh em tôi trên chiếc xe đạp cũ hòa vào dòng người
chở con ngày đi thi, bố cho anh em tôi vào quán gọi món “cháo trứng vịt lộn”, tôi luôn nhớ bố mẹ chỉ chở chúng tôi vào những
ngày đi thi quan trọng và món quen thuộc ngày đi thi đều vậy. Sau này khi lớn mọi
người nói ăn trứng ngày đi thi là chỉ có ẵm về toàn “trứng”, tôi chẳng tin. Khi lên cấp hai, tôi tự đi xe đạp, chúng
tôi đi học đạp xe chung với nhau, mỗi lần nắng, mỗi lần mưa đều có nhau. Chúng
tôi quanh quẩn ở xóm làng nhìn ai cũng chào, cũng hỏi nên biết nhau cả, ông bà
nội ngoại cũng gần nhau, các bác các cô chú cũng gần nhau, những người bạn xung
quanh “tối lửa tắt đèn” đều có nhau. Từ
nhỏ tôi đã được nghe bố mẹ ví người này người kia như Chí Phèo, như Thị Nở, được
dạy “trẻ con không được ăn thịt chó”,
được nghe ông đọc thơ truyện Kiều, rồi cái tên tôi ông cũng đặt y như cô em
Thúy Kiều để cầu chúc cho cuộc đời tôi đừng lận đận. Khi lớn hơn, tụi chúng tôi
hay dọn cỏ, dọn rác ở mộ nhà văn liệt sĩ Nam Cao, khi được học tác phẩm Chí
Phèo có trong sách giáo khoa, tôi mới thấy tự hào quê mình có nhà văn được ghi
trong sách. Ngày đi học tôi cũng có bị dính vào một số vụ đánh nhau chỉ vì “nhìn mày ngứa mắt”, rồi “mày là cái gì mà dám phạt tao”, rồi cả “mày chán sống rồi hay sao ?”... chỉ vì
ngày đó tôi làm Liên đội trưởng trong trường- một nhân vật bị ghét cay ghét đắng
vì chuyên đi soi những thành phần vi phạm nội quy của trường của lớp. Ngày ấy
chúng cũng tìm đến bạo lực để giải quyết những vấn đề kia nhưng tôi có thầy cô
giáo, có bố mẹ có bạn bè đồng trang lứa với tôi bảo vệ. Không ai sợ bị liên lụy
hay cố bao che cho những thành phần có ý thức kém như vậy. Những dịp Trung thu,
chúng tôi đều chuẩn bị mọi thứ từ trước một tháng, tới hôm diễn ra đêm rằm thì
chúng tôi được sống vui chơi, ăn uống quây quần bên nhau phá cỗ, ăn bánh đa cùi
dừa, ngồi ngắm trăng, nghe tiếng dế mèn, tiếng vi vo của muỗi, tiếng ve của
ngày hè còn sót lại và cả những tiếng quạt mo phe phẩy trong buổi tối tĩnh lặng
vì mất điện. Mỗi lần nghĩ lại tôi thấy có nhiều niềm vui hơn là những sự tổn
thương bởi tôi đã được sống một tuổi thơ trọn vẹn.
Rồi lên một cấp khác, tôi đi xa nhà vào
Sài Gòn để học đại học, thoáng cái cũng gần hết cấp này tiếp. Mỗi ngày tôi đi học,
đi làm trên xe bus và về bằng xe bus, ngồi trên đó nhìn ra đường tôi thấy có
nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống đáng trân trọng giữa dòng người vội vàng ngược
xuôi. Buổi sáng thì kẹt xe vì ai cũng muốn đến chỗ làm chỗ học cho đúng giờ
nhưng hình ảnh người vô gia cư nằm ở bên lề đường, đắp chiếc bao làm chăn, chiếc
mũ rách mướp làm khăn che mặt, đặt mình bên cạnh một đống lùm xùm bao nilong,
chai vỏ lọ...cụ vẫn nằm đó giữa dòng ngừơi vội vã. Buổi chiều tôi trở về nhà
cũng bị kẹt xe, ai cũng muốn đi thật nhanh để kịp đón con ở trường cho đúng giờ,
ai cũng muốn đi thật nhanh nên va quẹt vào nhau rồi cứ lao về phía trước không
ngoái lại là chuyện thường, ai cũng muốn trở về nhà thật mau để chuẩn bị bữa
cơm gia đình, rồi có người vội chạy để kịp cho đúng giờ dạy học...như tôi. Tôi
về nhà rồi lại lên xe bus đi dạy, học sinh tôi dạy cũng đơn độc như bao bạn
khác nơi thành phố phồn hoa này, ai biết người đấy, nhà nào biết nhà đấy. Em
cũng chỉ biết đường từ trường về tới nhà, lên đến phòng riêng đợi thầy cô tới tận
nhà dạy học rồi xuống đến phòng ăn, lịch trình lặp đi lặp lại gần 18 năm qua
như vậy. Nghĩ mà thật buồn ! Có lần tôi hỏi em : “Em có bạn thân không ?”, em trả lời tôi bằng một tiếng thở dài đằng
đẵng rồi đáp bằng giọng miền Nam dễ thương mà nghe đầy mệt mỏi, ủ rũ : “Bạn bè làm gì cho mệt hơn cô” Nghe xong
tôi giật mình, một học sinh cấp ba tới giờ không có bạn, cũng chẳng có bạn thân
mà nhắc tới thì chỉ thêm mệt mỏi hơn bởi việc học cũng là một áp lực lớn với tụi
nhỏ. Chúng không tìm được niềm vui nơi học tập, không tìm được niềm vui nơi trường
học và nơi bạn bè xung quanh đồng môn. Lũ trẻ bây giờ khác tôi ngày trước quá
nhiều dù tôi cũng được sinh ra và lớn lên thời đại công nghệ phát triển mạnh.
Lũ trẻ bây giờ là “thế hệ cúi đầu” không
có ý thức để ngẩng lên nữa. Lũ trẻ bây giờ tự tin và sống thỏa hiệp với cuộc sống
dù chẳng biết mình sẽ đi về đâu sau những lần nhấc tay cầm bút kí vào những bản hợp đồng tự do do chính mình ảo
tưởng vào thế giới ảo.
Dường như cuộc sống thay đổi, con người
cũng đổi thay. Ít ai còn giữ lại được những nếp đạo đức bình dân gần gũi nhớ
mãi. Có chăng là chỉ níu kéo chút gì còn vương lại, mai này hội tụ lũ bạn ngồi
hàn huyên lâu giờ sống lại giai đoạn đó tuổi xế chiều... Tôi vẫn gắn bó với xe
bus, là đi học, đi làm, đi tour Sài Gòn ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn con người
chuyển động, có khi rảnh rỗi ngồi trên xe bus cả ngày về một số tỉnh lân cận
Sài Gòn cách vô tình. Hay ra tôi cũng đang đơn độc giữa cuộc sống này ?
Hoàng
Anh
Đăng nhận xét