Ông- một đời tín trung phó thác

 

Ông- một đời tín trung phó thác

Sau kì nghỉ Tết sum vầy, đại gia đình tôi liên tiếp nhận hai tin buồn đó là sự ra đi của ông nội và người bác rể cả. Khi ông nằm xuống, bao kỉ niệm ùa về trong mỗi giai đoạn lớn lên và trưởng thành của tôi cứ thế mà trực trào nước mắt. Tôi khâm phục sự kiên cường của ông, niềm khao khát sống mãnh liệt tín trung với Chúa và Đức Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Những bài học đức tin và sống đạo ông dạy những anh em thế hệ con cháu chúng tôi không bao giờ quên. Các cụ tôi có truyền thống đạo đức từ xa xưa, các cụ làm quản giáo rồi làm trùm, đào hầm cho các Linh mục, thầy giảng chạy loạn, ẩn nấp dạy giáo lý và Trao Mình Thánh Chúa. Khi ông nội tôi lên 7 tuổi thì cụ nội mua trùm cho ông. Mua trùm theo lời kể của ông là:

Anh em trùm trưởng xôi xì

Lòng tôi cũng muốn nhưng vì không xu

Trùm nhớn trùm bé lại trùm cu

Nếu không có trùm cu thì gọi chẳng có xu nào.

"Mua trùm" theo các cụ ngày trước thể hiện truyền thống làng xã, theo đạo thì là truyền thống đạo đức, cho con cái ở với các cha để sống đạo và giữ đạo rồi về lo gầy dựng đức tin nơi quê hương. Gia đình nào có tiền thì mua trùm cho con từ 7 tuổi, ai ai cũng gọi là trùm dù nhỏ tuổi, nhà nào không có tiền 50 tuổi cũng không kể là gì. Ông được các cụ cho đi học, ở cùng các cha ở trường Lê Bảo Tịnh. Vì là con một nên cụ tôi cho ông về lấy vợ. Ông bà trồng trầu, nấu rượu và dạy giáo lý cho mọi người. Hồi ấy bắt đạo gay gắt, mỗi lần đánh kẻng học giáo lý là có hàng xóm ngoại giáo đi báo chính quyền. Khi ông đi bán trầu thì họ bắt ông ở giữa đường rồi cho người tới cuốc hết nền nhà xem có lưu trữ hay cất giấu sách vở giáo lý gì hay không. Ông đi tù chính trị 7 năm, bị đày từ Ba Sao lên Phú Thọ. Mỗi bữa ông được ăn 63 hạt ngô. Có những bạn tù hình sự thì bị đánh đập nhiều hơn, bị bỏ đói và hay xin vỏ ngô hay khoai của ông để ăn nhưng ông không cho vỏ mà nhường cả phần khoai ngô của mình cho họ. Vào tù, ông gặp được những quản giáo, thanh niên Công Giáo xung phong rồi quy tụ mọi người đọc kinh, giữ

đạo. Ông có người bạn tù tri kỷ mà mãi sau này về vẫn tìm thấy nhau dù ngăn sông cách trở. Để giờ đây, đại gia đình chúng tôi có thêm những người ông, người bác và anh chị em thêm nhiều ở miền Hải Hậu Bùi Chu để mỗi lần quy tụ, chúng tôi bị cuốn vào những câu chuyện li kỳ của các ông . Khi đi tù, ông xin nửa chiếc chăn gụ của cụ để đem theo và khi về thì gửi lại cụ. Cụ quỳ sụp xuống cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ con trai của mình trở về bằng yên. Và có lẽ từ ấy, ông phó mình cho Đức Mẹ luôn luôn. Chiếc chăn ấy còn giữ mãi về sau này như bằng chứng lịch sử thời cuộc gian khổ bắt đạo của ông kể mãi với con cháu về tinh thần giữ đạo và sống đạo.

Khi đi tù về, ông bà tiếp tục làm trầu và ông chuyên lo phụng sự nhà Chúa qua nhiều thập kỷ, ông làm trùm Thánh Thể đến kiến thiết nhà thờ. Bà nội mất sớm nên những câu bổn đạo cũm được ông dạy rồi sau bố dạy mà tôi nhớ tới giờ như:

Hỏi: Phải làm thế nào cho được thanh nhàn vui vẻ vô cùng?

Thưa: Phải giữ Đạo thánh Đức Chúa Trời.

Hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng nào?

Thưa: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật cùng hằng gìn giữ cai trị mọi sự...

Những câu bổn khắc ghi vào hồn cốt thế hệ con cháu chúng tôi, ông khuyên răn chúng tôi cậy trông vào Chúa luôn mãi, dâng mình cho Đức Mẹ và chăm lần hạt Mân Côi. Chúng tôi được giữ gìn an lành tới giờ qua nhiều biến cố chắc hẳn là những lời cầu xin tha thiết của ông luôn ước cầu cho chúng tôi.

Chúng tôi ở gần ông nên mỗi khi ông đi ăn cỗ về đều lấy phần, có khi là quả trứng vịt lộn, là quả quýt nhỏ, là miếng giò, ông đạp xe về nhà tôi, dựng xe và ngồi ở hiên đợi chúng tôi đi học về cho. Thành thói quen, có đám nào ở quanh làng là chúng tôi luôn hóng quà của ông. Mỗi lần thay bánh lễ ở nhà thờ, ông dồn bánh cho vào ống bơ và mang về cho chúng tôi. Tụi tôi chia nhau làm lễ đóng giả cha rồi lên rước lễ, những trò chơi hồi ấy chúng tôi mang theo mà giờ được ơn kêu gọi của Chúa để chúng tôi kiên vững hơn trên con đường dâng hiến của mình.Vào mỗi dịp Tuần Thánh, vào lễ Tiệc ly thứ 5 hay còn gọi là lễ Rửa Chân, các ông trùm thường được các cha rửa chân cho và được một chiếc bánh dầy ông luôn mang về cho anh em chúng tôi. Đại gia đình chúng tôi chỉ ngỡ ông bị bệnh già đau khớp, đau bụng bình thường. Ông 95 tuổi nhưng ngày nào cũng đi xe lăn tập thể dục gần 2km mới về, ông kiên trì tín thác. Ông chuyên tâm lo cầu nguyện, lần chuỗi liên tục cho mỗi gia đình, cho từng đứa cháu, cho sự phát triển

của giáo xứ. Sau Tết, tôi có cơ hội trị liệu cho ông nên được ông kể nhiều chuyện, khuyên nhiều điều. Ông khao khát sống mãnh liệt và kiên trung vào Chúa và Đức Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Khi cơn đau bụng lên quằn quại, bác sĩ bắt tháo hết tràng hạt và vòng cổ vứt ra ngoài, ông đòi lại và nắm chặt, làm dấu phó thác liên tục.Ở bên ông, tôi ngỡ như ở cùng một tượng đài sống của thời cuộc, từ lịch sử xóm đạo đến lịch sử quốc gia. Ở bên ông, tôi được tiếp thêm sức mạnh cho những khao khát, những ước vọng cho những mảnh đời. Giờ đây ông không còn nhưng tôi tin chắc rằng, sự ra đi của ông trong mùa Chay Thánh đã giúp ông cảm nghiệm được sự đau khổ ông mang do căn bệnh trọng, giúp ông hiệp thông vào sự đau khổ của chính Chúa Kitô, qua đó được thông phần ơn cứu độ với cuộc khổ nạn của Ngài. Tôi không bao giờ quên nghị lực kiên cường của ông đã bảo vệ đức tin và giữ ngọn lửa nhiệt thành với việc Chúa và sống đạo qua những chuyện ông kể, qua việc ông làm và cách ông sống.

Chúng tôi chỉ nguyện ước mãi noi theo tinh thần đó của ông. Để Xuyên qua sa mạc nơi trần thế này chúng tôi được dừng lại, được tự do thoả lòng bên Suối Nguồn đích thực. Để dù "Có những ngày thời gian ngưng đọng trong một giấc chiêm bao, hoa hồng vàng chết lặng...tiếng chim hót ngoài kia cũng hoá thành từng giọt nước mắt". Tôi tin trong mỗi chúng ta đều có những người ông người bà, những cây cổ thụ sống toả bóng rợp trời nơi mỗi cuộc đời ta.

                                                                                                                      Hoàng Anh

 


Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.