Phóng Thể Và Sứ Mệnh Của Triết Hiện Sinh


Trong xã hội hiện đại, con người đang có nguy cơ, và thực tế là đang rơi vào tình trạng phóng thể trước sức ép ngày càng tăng mãnh liệt của cuộc sống vật chất và trước sự khủng hoảng đa diện. Sự phức tạp trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới kỹ thuật và môi trường sinh thái đang làm cho con người ngày càng bất an, không còn can đảm sống cách sũng mãn yếu tính người của mình. Một xã hội mà cá nhân bị tha hóa khỏi bản chất của họ.


Trong bầu khí khủng hoảng ấy, con người đứng trước hai chọn lựa. Hoặc chấp nhận bị bó buộc phải sống một cuộc sống mà bản chất người của mình không bao giờ được sung mãn hay trở thành hiện thực. Hoặc dấn thân một cách tích cực vào dòng chảy hiện hữu, không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho ý nghĩa hiện hữu mình để sống sung mãn giá trị của mình trong lịch sử. Triết học hiện sinh chọn con đường thứ hai và vì thế, nó chống lại mọi hình thức phóng thể.

1.   Ý niệm về phóng thể

Phóng thể (alienation) có nghĩa là hóa thành cái khác, thành người khác.[1] Phóng thể là tình trạng của những người chưa tự ý thức được mình là những nhân vị đôc đáo. Người phóng thể là người suy nghĩ và hành động theo đám đông hoặc sống theo những gì người ta nghĩ về mình, “người ta nghĩ vậy nên tôi làm vậy”. Lối sống này đã làm cho con người đánh mất bản ngã mình, đánh mất chủ thể tính và giản lược hữu thể người chỉ còn là một sự vật: sống như cây cỏ và động vật.[2]

Xét trên bình diện tâm lý, người bị phóng thể là người vẫn còn đang sống trong tình trạng sơ khai của ý thức con người: sống như một đứa trẻ. Một đứa trẻ không thể nhìn nó bằng ánh mắt mà người khác đang nhìn nó, bởi nó chỉ nhìn ra mà không nhìn vào chính nó. Một đứa trẻ sống trong thế giới, nó chỉ ý thức về các sự vật trong thế giới đó mà chưa ý thức được giá trị của mình trong thế giới, chưa khám phá được ý nghĩa của sự hiện hữu mình. Con người phóng thể cũng vậy, họ chỉ nhìn vào thế giới và chỉ sống với những gì đã được khuôn mẫu sẵn cho họ, một cuộc sống đều đều theo nhịp điệu của máy móc. Ăn, ngủ! Ăn, ngủ! Đó là một lối sống mà Camus gọi là “phi lý”, Heideigger thấy “tầm thường”, còn Sartre thì cảm thấy “buồn nôn”. Chỉ khi nào con người ý thức được vận mệnh mình trong lịch sử, ý thức được ý nghĩa của cuộc nhân sinh, ý thức về tự do, trách nhiệm và nhân vị thì con người mới bước vào cuộc hiện sinh.

 Có nhiều hình thức phóng thể nhưng tựu trung lại ở hai hình thức phổ biến là phóng thể duy tâm và phóng thể duy vật.[3]

1.1.    Phóng thể duy tâm

Phóng thể duy tâm chỉ những người chỉ biết sống mơ mộng, chỉ tưởng tượng và ước mơ nhưng không bao giờ dám tra tay vào hành động. Sở dĩ gọi những người này là phóng thể vì họ không ý thức vai trò của mình trong lịch sử, họ cũng không nhận thức được tất cả những gì được kiến thiết cho họ là để họ sử dụng nó để làm thăng hoa chính mình. Họ hoàn toàn thụ động và thả mình tin theo những mẫu người lý tưởng không trùng khít với dòng chảy thực tế. Thay vì tìm hiểu rồi khai thác những giá trị thực tế của môi trường xã hội ngày nay, họ lại chạy trốn thực tại, núp bóng dưới những mơ ước viễn vông của những thời vàng son không bao giờ xảy ra.[4] Có thể nói, họ là những người muốn thay đổi thế giới nhưng chính bản thân họ không bao giờ muốn hành động, không bao giờ muốn thay đổi chính mình.

Trong tập thể, người phóng thể duy tâm là người chỉ đưa ra những kế hoạch, những chương trình có vẻ rất to lớn nhưng chính bản thân họ chẳng bao giờ hành động để hiện thực hóa nó. Khi được giao trách nhiệm, họ cố tính né tránh vì sợ thất bại hay vì sự vô trách nhiệm. Luôn phóng mình về trước với những lý tưởng lớn lao nhưng lại đánh rới thực tại; muốn xây dựng tập thể nhưng bản thân lại luôn sợ thất bại, chẳng bao giờ dám tra tay vào hành động, đó là hình ảnh của con người phóng thể.

1.2.    Phóng thể duy vật

Nếu phóng thể duy tâm là chỉ mơ ước mà không hành động thì phóng thể duy vật chỉ những người hành động một cách vô ý thức như một cái máy. Phóng thể duy vật đồng hóa con người với một cơ năng để hành động. Ở đây, con người không còn là một nhân vị độc đáo sống trong tập thể nữa mà trở thành phản ảnh của tập thể.[5] Đánh mất nhân vị, con người chỉ còn là một đơn vị, một con số thêm vào của tập thể. Trong cái tập thể ấy, con người không còn giữ được óc sáng tạo, đánh mất chủ thế tính và tự do nhân vị, con người chỉ còn là cái xác, còn lý tưởng là tập thể.

Trong tập thể, người phóng thể duy vật là người chỉ biết ỷ lại, ăn bám tập thể. Những việc họ làm xem ra rất chu đáo, nhưng họ hành động như một cái máy, họ làm chỉ vì người ta làm như thế cả. Họ an cư sống với những gì người khác đã sắp đặt sẵn cho mình, theo một thời khóa biểu đã được lập trình sẵn. Nói cách khác, họ chỉ biết sống “an phận thủ thường”, chỉ biết hoàn thành việc bổn phận một cách máy móc mà không bao giờ suy nghĩ, sáng kiến để xây dựng tập thể. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào tập thể mà không có bất cứ một lý tưởng cụ thể nào: một cuộc sống tầm thường nếu không muốn nói là không đáng sống.

Tóm lại, dù ở bất cứ hình thức nào, lối sống phóng thể đều để lại một hậu quả nguy hiểm cho con người, nó làm cho con người yên hàn trong tình trạng sự vật, sự vật của nhóm, của tập thể, của đảng phái hay của một ý thức hệ.

2.   Sứ mệnh của triết hiện sinh

2.1.    Triết học hiện sinh: triết học vì con người

Triết học cổ điển bị kết án là một thứ triết học bị phóng thể, bởi vì thay vì giúp con người đi tìm ý nghĩa của sự hiện hữu mình thì triết học lại đi tìm nguyên lý của vũ trụ, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa vạn vật, mà con người là một trong số hàng vạn vật đó, con người chỉ là một loài động vật biết suy tư (Aristote). Kết án như vậy có lẽ hơi gay gắt nhưng một điều không thể phủ nhận là triết học cổ điển quá lý thuyết và quá xa cách với đời sống. Chẳng vậy mà các triết gia hiện sinh, tiêu biểu là Nietzsche, đã phê phán triết học cổ truyền. Nietzsche dám táo bạo vạch trần cái tinh thần nô lệ của các triết gia, “cư nhai văn nhá chữ, luẩn quẩn trong bao nhiêu thứ hệ thống”, “khiếp nhược, sợ gió mù, nên nấp sau bình phong để tha hồ lăn lóc, truy hoan,...”.[6] Nietzsche kết án toàn diện mọi công trình văn hoá đã được xây dựng trên sự suy luận của lý trí Socrates.[7]

Với việc khám phá ra cogito, Descartes đã hướng triết học sang một ngã rẽ mới. Từ đây, vai trò chủ thể tính của con người và tự do được quan tâm một cách triệt để hơn. Tuy nhiên, Descartes vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của triết học cổ điển vì mệnh đề cogito ego sum của Descartes chỉ dừng lại ở hữu-suy-tư, do đó, thân xác ông cũng chỉ là đối tượng được xuất hiện ra cho cái hữu-suy-tư. Nói cách khác, thân xác đó cũng chỉ là một vật thể.

Edmund Husserl, triết gia hiện sinh có ảnh hưởng lớn bởi những tư tưởng của Descartes đã tiến thêm một bước. Trong khi Descartes nhấn mạnh “tôi suy tư”, Husserl nhấn mạnh rằng “tôi suy tư về một cái gì” mới chính là kinh nghiệm đặc trưng của con người. Do đó, cogito của Descartes phải là ego cogito cogitatum. Husserl gọi việc kết hợp giữa chủ thể và khách thể này là hiện tượng luận: triết học trở về với thế giới sự sống (lebenswelt).

Trở về với thế giới sự sống là trở về với con người “lúc này và ở đây”. Các triết gia hiện sinh nhận ra rằng, con người luôn luôn có những kinh nghiệm mới mà triết học thì vẫn sử dụng ngôn ngữ cũ. Do đó, đã đến lúc phải thay đổi những ngôn từ trừu tượng của triết học cổ điển bằng thứ ngôn ngữ mới: ngôn ngữ hiện sinh. Triết hiện sinh từ bỏ con đường xưa cũ của triết học cổ truyền, không theo đuổi nguyên nhân tối hậu của vạn vật nữa mà chú trọng đến thân phận con người. Con người ở đây không phải là con người phổ quát, trừu tượng mà là con người hiện sinh, là tôi, là anh, là chúng ta và là từng người một. Đó là con người có chủ thể và tự do nhân vị.

Chủ thể tính và tự do nhân vị là hai chủ đề lớn trong triết học hiện sinh, do đó, sứ mạng của triết hiện sinh là giải phóng con người thoát khỏi tình trạng phóng thể, một tình trạng mà con người không ý thức được mình là một chủ thể tự do.
2.2.    Chủ thể tính và tự do trong triết học hiện sinh
2.2.1.  Chủ thể tính
Con người là chủ thể nghĩa là con người không phải là những sự vật của vũ trụ, nhưng là những nhân vị sống trong thế giới. [8] Bởi vậy, con người không phản ứng như một cỗ máy, không phản ứng theo một khuôn mẫu đã được lập trình sẵn. Con người là chủ thể có khả năng sáng tạo. Mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác nhau, do đó, không thể lấy lý tưởng của người khác để áp đặt cho mình.

Biểu hiện của con người chủ thể là khả năng mở ra trong chân trời hiện hữu. Khả năng mở ra này làm cho con người luôn hướng về phía trước. Như vậy, khát vọng, mơ ước là một tất yếu làm nên hữu thể người. Cái mà Heidegger gọi là dự phóng. Theo Heidegger, dasein [con người] không chỉ liên đới với tình huống mà nó đang sống mà còn luôn mở ra để trở thành cái gì đó mới. Và chính tình huống hiện tại được xác định bởi điều mà con người dự định trong tương lai.[9] Nói theo ngôn ngữ của K. Jaspers, giữa hiện tại và tương lai có một khoảng cách, hiện sinh là lấp đầy khoảng cách đó. Hiện sinh là đặt mục tiêu và sống mục tiêu ấy. Như vậy con người chỉ rơi vào phóng thể khi chỉ biết mơ ước mà không dấn thân để hiện thực hóa mơ ước ấy. Hiện sinh chính là nhập cuộc với tình huống hiện tại, không sống với những lý tưởng trừu tượng nhưng luôn luôn cố gắng dùng suy nghĩ để xác định ý nghĩa thực sự của mỗi người để liên tục hành động và sáng tạo.[10] Điều này đòi hỏi con người phải dấn thân cách toàn vẹn vào dòng chảy hiện hữu, chấp nhận cả những đau đớn, những vết thương. Nếu thụ động, con người sẽ rơi vào tình trạng bị phóng thể, đánh mất bản chất người của mình.

2.2.2.  Tự do

Người tự do là người tự đảm nhiệm hành động của mình, không phải tôi làm vì người ta làm như thế, không phải tôi làm vì sợ điều này hay sợ người kia, nhất là không làm vì thói quen. Người tự đảm nhận lấy hành động của mình là người chỉ làm vì ý thức rằng hành động như thế là cách thể hiện ý nghĩa cuộc đời của mình, là sứ mệnh của mình.[11] Theo Nietzsche, con người tự do là con người dũng mãnh, dám từ chối tất cả những tiện ích xã hội, tất cả những quy phạm để vươn tới một cuộc sống chân thật.[12] Con người sẽ rơi vào tình trạng phóng thể nếu để mình bị lệ thuộc vào tiện nghi vật chất hay để mình bị chìm ngập trong tính tầm thường và trong những thói quen.

Một trong những biểu hiện của tự do nhân vị là khả năng chọn lựa và đảm nhiệm trách nhiệm. Theo Heideigger, là dasein, mỗi người chúng ta có một chỗ đứng ở đây và lúc này trong hiện tại với các khả năng trong tương lai. Chúng ta phải không ngừng trở thành đích thực là chúng ta bằng các quyết định thích hợp và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.[13] G. Marcel khẳng định rằng, “cái-tôi được gọi là nhân vị chỉ trong mực độ mà nó dấn thân trong hành động và chịu trách nhiệm về chính những hành động của mình.”[14] Sartre có một lối trình bày khác, khá độc đáo. Ông phân biệt hai cách tồn tại: hiện hữu tự nó (l’en soi) và hiện hữu cho nó (le pour soi). Chỉ có con người với chủ thể tính mới được gọi là “hiện hữu cho nó” và được định hình qua những chọn lựa. Khi con người chọn lựa trong tiến trình làm thành chính mình, họ không chỉ chọn lựa cho riêng họ mà còn cho người khác.[15] Vì thế, khi nói đến tự do, Sartre nói đến trách nhiệm và liên đới trách nhiệm.[16] Chính vì lý do này, hành vi chọn lựa bao hàm một sự lo âu, xao xuyến. Nhưng nếu không chọn lựa, hoặc chọn lựa nhưng không đảm nhiệm trách nhiệm là con người phóng thể. Con người hiện sinh không chấp nhận một lối sống như thế. Người tự do đích thực là người biết dùng tự do để đảm nhận con đường mà mình chọn lựa để phát triển con người mình tới cực độ khả năng của mình.

Tạm kết
Triết học hiện sinh xuất hiện từ thế kỷ 19 và hiện nay nó vẫn còn được nhân loại đón nhận một cách tích cực, vì nó đụng chạm một cách trực tiếp đến đời sống con người. Triết hiện sinh ra đời với một sứ mệnh là thức tỉnh con người, lôi con người ra khỏi tình trạng phóng thể và giúp con người vươn lên mức sống của những nhân vị tự do và trách nhiệm. Đặc biệt, nó nhắc nhở con người ý thức rằng mình là một nhân vị độc đáo và mình phải hoàn thành cái định mệnh độc đáo của mình. Hiện sinh không cho phép con người chỉ biết mơ tưởng về tương lại mà đánh mất thực tại, càng không cho phép con người sống ù lì, bằng lòng với những gì diễn ra đều đều hằng ngày hay nép mình cố thủ trong một pháo đài ý thức hệ nào đó. Con người là chủ thể và tự do. Hiện sinh là can đảm sống thật với bản chất của mình với những xao xuyến và bất an; là hướng tới Vô Hạn để không ngừng sáng tạo trong cái chân trời vô hạn đó để kết dệt nên hữu thể người đích thực.

Lam Hoang



[1] Về hạn từ “alienation” (có nghĩa là phóng thể hoặc sự tha hóa) xin xem thêm: Ted Honderich, “alienation” trong Hành Trình Cùng Triết Học (English – Vietnamese Dictionary of Phylosophi), Lưu Văn Hy chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Văn Hóa Thông Tin, 2002), 36). Ở đây, người viết sử dụng hạn từ “alienation – phóng thể” theo giáo sư Trần Thái Đỉnh.
[2] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, (Sài Gòn: NXB. Thời Mới, 1968), 38.
[3] Mounier, Qu’est ce que le personalisme? Seui 4947, pp: 51-60, trích lại trong: Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, (Sài Gòn: NXB. Thời Mới, 1968), 39.
[4] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 25.
[5] Ibid.
[6] Bùi Giáng, Heideigger Và Tư Tường Hiện Đại (Hà Nội, NXB: Văn Học, 2007), 660.
[7] Lê Thành Trị, Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh (1969), 68.
[8] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 22.
[9] Nguyễn Ngọc Hải, Con Người – Một Huyền Nhiệm (Học viện Thánh Anphongsô, 2017), 119.
[10] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 22.
[11] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, 24.
[12] Nguyễn Ngọc Hải, Con Người – Một Huyền Nhiệm, 114.
[13] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy
chuyển ngữ (Hà Nội: NXB. Lao Động, 2004), 398.
[14] Nguyễn Ngọc Hải, Con Người – Một Huyền Nhiệm, 193.
[15] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, 403.
[16] Lê Thành Trị, Hiện Tượng Luận Về Hiện Sinh, 30.


Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.