Một Thoáng Nhìn Về Con Người Theo Triết Gia Gabriel Marcel


 MỘT THOÁNG NHÌN VỀ CON NGƯỜI THEO TRIẾT GIA GABRIEL MARCEL  
 
Photo: http://newvietart.com
Con người là gì? Hay sự hiện hữu của con người có ý nghĩa gì, chết sẽ đi về đâu? Đó là những lời hỏi mà các triết gia từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay vẫn luôn khắc khoải đi tìm một câu trả lời trọn vẹn cho sự hiểu biết về thân phận con người. Nhưng cho đến nay thì “Con người vẫn còn vượt xa những gì họ biết về chính họ.”[1] Trong bài này, người viết muốn tìm hiểu con người theo quan niệm của kinh thánh, và lối suy tư về sự hiện hữu sâu thẳm và phong phóng của con người theo Gabriel Marcel.  

1.    Con người theo quan niệm Kitô giáo

   Theo quan điểm của Kitô giáo con người là hình ảnh của Thiên chúa vì “ Thiên chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của mình” (St. 1,17). Con người tự bản chất gắn liền với Thiên Chúa, là một thụ tạo có tự do, có mối dây liên lạc vững bền và thiết yếu với Thiên Chúa. Nói cách khác, sự sống của con người là được đón nhận từ Thiên Chúa, chính Người thông ban sự sống cho con người. Bên cạnh đó con người được Thiên Chúa tạo dựng có nam có nữ; nghĩa là ngay từ khởi đầu nơi con người đã mang xã hội tính. Và, mục đích của tạo dựng là con người được triển nở trong các mối tương quan với nhau: “con người sống trong sự hòa hợp với chính mình, với vạn vật, với vũ trụ và và với Thiên Chúa.”[2]

Ngoài ra, con người được Thiên Chúa trao cho trách nhiệm làm chủ trái đất qua việc lao tác, để cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa:“ sự hiểu biết về thế giới và sự thống trị tiệm tiến những nguồn lực của vũ trụ chỉ đạt được qua lao động của con người” và “Lao động là nền tảng căn bản của sự hiện hữu của con người trong thế giới.”[3] Như thế, trong ý chí, lý trí và tự do, con người được mời gọi tham gia vào công trình tạo dựng và làm tròn đầy phẩm giá của chính mình. Đó là nét độc đáo và tình yêu chan chứa mà Thiên Chúa trao ban cho con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Ngài, quy hướng và chỉ hạnh phúc tròn đầy viên mãn trong Ngài. Theo cách này, Marcel đã suy tư về chiểu kích “mở ra” nơi con người trong sự hiện hữu: với chính mình, tha thể và với Thượng đế.

2.    Sự hiện hữu sâu thẳm và phong phú của con người theo Gabriel Marcel

Đã nhiều lần tôi tự hỏi: sao tôi lại có mặt trong dòng đời này? Câu trả lời đầu tiên đến với tôi là tôi được sinh ra nhờ cha mẹ của tôi. Như thế, hiểu một cách đơn giản sự hiện hữu của tôi là khởi đi từ cha mẹ tôi, từ một gia đình, một môi trường cụ thể. Điều đó có nghĩa là tôi được thông dự vào chính sự sống của cha mẹ tôi, và môi trường sống cụ thể. Sự thông dự vào tương quan với cha mẹ được hiển tỏ nơi tôi chính là thân xác tôi và một chiều kích sâu thẳm là mối dây tình yêu. Nói như Gabriel Marcel: mỗi sự hiện hữu trong cuộc đời là sự kéo dài của thân thể tôi. Chiều kích thân thể của con người là thước đo và là ý nghĩa căn cội của ý nghĩa con người trong vũ trụ. Thân thể tôi là cái vũ trụ hiện hữu, một là có thể đụng chạm, nhìn thấy được thể hiện ở bên ngoài; mặt khác nó là cảm nhận của chính tôi bên trong tôi, cảm nhận về những cơ phận hữu cơ của tôi.

Theo Marcel, thân xác không chỉ là một khối thịt vật chất trơ ì mà nó được thăng hoa với “cái anh” tinh thần trong tôi. Bởi lẽ khi nói thân thể tôi là nói chính tôi, mà ở đó tôi hòa quyện giữa tôi và “cái anh”, tuy không đồng nhất nhưng cũng không thể tách rời. Tôi là “hữu nhập thể” nghĩa là cái anh tinh thần “linh hồn” đi vào thân xác diễn tả qua cách lối đi vào cuộc đời trong tương quan với tha thể.[4] Cách lối hiện hữu cụ thể của tôi hình thành qua hoạt động chọn lựa cụ thể trong tương quan với vũ trụ tự nhiên, tương quan với chính tôi “nhân cách”. Ta khác biệt nhau ở cách lối đi vào cuộc đời, và ta là ta hơn khi đi vào tương quan với chính mình “Nhân cách”; nghĩa là ngang qua cách lối chính tôi thể hiện ra trong cuộc đời: với thế giới, tha nhân và Thượng đế.[5]

Đối với Marcel, con người luôn phải đối diện với sự bất an trong chính nội tại của mình.[6] Con người thao thức, khắc khoải mà không ai có thể giải đáp được. Tại sao tôi sống như thế này? Tất cả những cái đang xẩy đến với tôi có mang ý nghĩa gì? Mỗi con người trong bản thân nó là một tòa nhà thánh thiêng, một tiểu vũ trụ ẩn chứa trong nó sự thánh thiêng của trời đất bao la. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cung cấp nhiều tiến bộ trong đời sống con người nhưng cũng kéo theo tỷ lệ nghịch với nó về tình trạng con người. Cũng như thánh Công đồng đã nhận định “Ngày nay, tuy đã cảm phục trước những khám phá và quyền lực của mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng, thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới về chỗ đứng và vai trò của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa và những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài.”[7]

Theo G. Marcel lạm dụng khoa học kỹ thuật con người trở thành công cụ trong chính tay mình “bị đối vật hóa”.[8] Một thời đại, mà nơi đó con người đang đua nhau vươn lên ưu việt với sự chắt lọc ra ưu tuyển, nhằm phục vụ tối ưu cho khoa học kỹ thuật cũng như những công nghệ tiên tiến, phần còn lại bị quăng vào “sọt giác”, mà ở đó nhân vị bị lãng quên, những giá trị phẩm tính của linh hồn bị nghiền nát bởi chức năng. Nói như thế, sự hiện hữu của con người không thể bị giảm trừ hay bị đánh giá theo lối nhìn của khoa học kỹ thuật; bởi lẽ, nơi con người còn ẩn tàng một chiểu kích sâu thẳm, “tòa nhà thánh thiêng” trong chính nội tại của con người.[9] Nói như Marcel sự hiện hữu của con người là một “huyền nhiệm” nó sâu thẳm và phong phú trong chính nội tại con người. “Huyền nhiệm” là gì?

Theo Marcel: Huyền nhiệm không phải là cái gì kỳ bí, mầu nhiệm không thể hiểu được mà huyền nhiệm ở chỗ nó rất vi diệu trong cái rất thực tế, nó vĩ đại trong cái rất thông thường, và sâu thẳm trong cái xuất hiện ra rất cụ thể và thật.”[10] Huyền nhiệm còn là cái gì đó mình “dính dự” vào, đó là hữu thể nhận biết, đón nhận và chấp nhận. Cuộc sống con người là một cuộc lữ hành, sống trong trần thế với những hữu hạn, bất tất chưa tròn đầy, và chúng ta đi đến sự tròn đầy hơn “ta là” qua những hành động chọn lựa của ta một cách chủ động để đi đến thành toàn. Hơn nữa, khi hiện hữu không chỉ là tôi hiện hữu mà còn là “hiện hữu với”: Tôi hiện hữu nhờ tha nhân, và theo cách này, tôi được tròn đầy dần trong tương quan với thế giới và với người khác; tôi biết về chính tôi. Nói cách khác, tôi chỉ được thăng hoa trong tương quan với tha nhân vì hiện hữu của tôi với tha nhân, hướng tôi đến xác định căn tính siêu nghiệm về cái tôi của tôi và cái tôi của người khác hướng đến sự mong chờ, khát khao…cầu khẩn, để đưa đến gặp gỡ “Cái Anh siêu nghiệm”, một cái Anh là “điểm quy chiếu tuyệt đối.” Và “Chính cái Anh này là tình yêu nối kết tôi với tôi, nối kết tôi với tha nhân, “cái Anh” này không thể bị đối tượng hóa hay cũng thể tìm thấy ở bên ngoài nhưng là sự cảm nghiệm tận sâu thẳm trong tôi.”[11]

Tóm lại

 Để bàn về con người không phải là một chuyện dễ dàng. Lời hởi về con người là ai sẽ mãi là vấn đề muôn thủa của thời đại và của chính nội tại của con người. Như thánh Augustino khi suy tư về con người phải thốt lên: “Thực là bao la sâu thẳm, ôi con người.”[12] Nhưng chính điều đó, đã biến sự hiện hữu trần thế của mỗi hữu thể là cuộc tìm kiếm liên tục, không ngừng nghỉ về ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình, và tìm kiếm chân lý tối cùng của hữa thể người. Con người theo quan điểm của G.Marcel và quan điểm con người theo Kitô giáo rất gần nhau: sự dính dự tròn đầy tôi với người khác đi đến gặp gỡ Đấng tuyệt đối là cái “Anh Siêu nghiệm” là điểm quy chiếu tuyệt đối, ở đó tôi dần thành toàn và tròn đầy trong sự dính dự của tôi với tha thể.


Tác giả: Trấn Quốc





[1] Karl Jaspers Triết Học Nhập Môn, Lê Tôn Nghiêm chuyển dịch, (Sài Gòn: NXB. Ca Dao, 1996), 96. 
[2] Ibid.,258
[3] Karl Jaspers, Triết Học Nhập Môn, 259-260.
[4] X. Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, (Tài liệu giáo trình, 2017), 217.
[5] Karl Jaspers, Triết Học Nhập Môn, 209-218.
[6] X. Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, 221.
[7] Thánh Công Đồng Chung Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, # 3.
[8]X. Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, 221.
[9] X. Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, (Tài liệu giáo trình, 2017), 207.
[10] Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, 223 - 224.
[11] Nguyễn Ngọc Hải, Con Người Một Huyền Nhiệm, 241.
[12] Nguyễn Trọng Viễn, Sách Đọc Dẫn Tập II, (Tại liệu lưu hành nội bộ), 54.

Một Thoáng Nhìn Về Con Người Theo Triết Gia Gabriel Marcel, suy tư về con người Theo Triết Gia Gabriel Marcel, tìm hiểu về Triết Gia Gabriel Marcel,suy tư độc đáo về con người, bài tập triết học về con người, hình ảnh chân dung về Triết Gia Gabriel Marcel, những câu nói nổi tiếng của Triết Gia Gabriel Marcel, những định đề nổi tiếng của Triết Gia Gabriel Marcel

Đăng nhận xét

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.